Wednesday 1 May 2013

Apr. 30, 2013 - Câu Chuyện Thiệt Tình Của Bên Ở Lại...

Tối 29 tháng Tư năm thứ 38 sau ngày vui đại thắng

Cả đại gia đình quây quần ăn sinh nhật cháu, chuyện trò rôm rả, tới lui rồi cũng về chuyện thế sự. Mình hỏi Ba.

- Ba, Ba đọc BTC, cái không khí HĐ diễn tả trong đó có đúng cái không khí thời đó ko Ba ?

- HĐ nói được 1 phần nhỏ thôi, ko có sống ở miền Nam cái thời đó thì ko có hiểu được hết, thời gian đó căng thẳng lo sợ nặng nề kinh khủng hơn nhiều lắm chứ con ...

Sáng 30 tháng Tư năm thứ 38 sau ngày vui đại thắng

Trong lúc đợi Tục Tưng (phát lệnh tổng tiến công), ngồi sofa dưới phòng khách vừa cắt móng tay vừa lơ đễnh liếc liếc mấy chương trình TV Má mở.

- Cái này là tuồng Bóng Tối & Ánh Sáng nè. Chu cha, lâu quá rồi giờ mới thấy chiếu lại. Mày nhớ kịch này ko T, Bảo Quốc hay nói câu 'một đi ko trở lại, chịu chơi chịu chơi tới cùng' đó !

- Dạ nhớ. Nhưng mà cái này toàn là diễn viên mới ko à Má.

- Ờ, thì cái này mới dựng lại.

Má lia cái remote, qua kênh khác, kịch khác. Có mấy anh bộ đội màu xanh lá cây vác súng lom khom băng qua màn hình.

- Hôm nay 30/4, toàn phát mấy cái liên quan tới ngày đó.

- Má, hồi đó giờ này nhà mình làm gì Má ? Chắc trốn ở trong nhà nghe radio hả Má.

- Ờ, hông có ai dám ra đường đâu. Tối hôm trước Má đã lật đật mua a xê tôn chùi hết móng tay móng chân rồi, nghe người ta đồn Ziệt Cộng dzô là tuốt hết móng tay phụ nữ, sợ té đái !

- Rồi sao mình biết giải phóng, nghe radio phát tin Tổng Thống đầu hàng nên biết hả Má ?

- Ờ, nghe radio. Mà thiệt ra biết thua từ lâu rồi. Mình thua từ lâu rồi. Nên giữa tháng Ba, Ba mới dắt cả nhà chạy xuống SG này mua nhà đó.

- Lúc đó Má có muốn chạy ra nước ngoài ko Má ?

- Chu cha, muốn chớ, muốn lắm.

- Má hông sợ hả ? Hông sợ qua nước ngoài mình ko biết tiếng rồi mình sống làm sao hả ? Mình hông có biết cái gì chờ mình ở bên đó, tương lai nó ra làm sao, mờ mịt vậy Má hông sợ hả ?

- Hông, hông sợ, người ta đi nhiều lắm, cả nữa thành phố này bỏ chạy, nếu ngta sống đc, mình sống đc. Chu cha, lúc đó Má sợ lắm, sợ Ziệt Cộng dzô chôn sống. Lúc đó mình toàn nghe đồn mấy chuyện ác của mấy ổng, đâu có biết mấy chuyện tốt mấy ổng làm đâu, hông có ai dám kể chuyện tốt đâu.

- Vậy sao nhà mình hông đi hả Má ? Vẫn hỏi, dù đã nằm lòng câu trả lời.

- Ba mày hông chịu đi. Ba nói ông bà Nội, ông Ngoại tụi mày còn ở đây, cô chú bác dì còn ở đây, nên Ba mày hông muốn bỏ đi. Chớ hồi đó ông S ổng kêu lên hạm rồi, mà Ba hông chịu, nên chú Năm mày cũng hông đi luôn (*).

- Lên hạm ?

- Ờ, ông S mày (**) làm thiếu tá hải quân, chỉ huy cái chiến hạm đóng ở Cam Ranh.

- Ông S oai ha Má !

- Chu cha, ổng oai lắm, đẹp trai phong độ lắm, như Tây. Mày thấy giờ ổng già mà ổng còn đẹp còn phong độ hông.

Vừa nói vừa ngó lên màn hình TV, rồi nói tiếp:

- Giờ đóng lại nên chọn mấy đứa to bự như dzầy, chớ hồi đó làm gì có, chu cha, Ziệt Cộng ốm nhách xanh mét à. Ngta nói mấy ổng đi trên tàu chuối tàu chuối hông gãy là thiệt đó ! Mày nhớ đèo Madagui (***) hông ? Hồi đó có thời gian Ba mày phải xuống SG đi tổng động viên, Má dẫn thằng A, thằng Ba xuống thăm Ba, đi xe đò đó. Đi tới chân đèo, thấy ông Thượng mặc có cái khố à,  đeo cái gùi, vác cái mác, chạy hớt hải ra hiệu lùi xe lại, nhìn phía trước xa xa mới thấy cả đoàn xe đứng đợi dài dài. Chu cha, đợi mấy tiếng xe mới bò từ từ qua được. Chu cha, xác Ziệt Cộng xác quốc gia la liệt từ trên đèo. Mấy ông Ziệt Cộng mấy ổng dữ lắm, sinh tử lắm, cứ 2 ông 1 cùm chân lại dzới nhau thành cặp, mày biết chi hông, quyết tâm thà chết hông lùi, hông bỏ chạy đó ! Nhìn thấy tội lắm, ông nào ông nấy xanh méc, xung quanh gạo vương vãi khắp nơi, chắc đi xuống núi xuống khu dân ở mua gạo mang về. Chu cha, cứ năm bữa nữa tháng mấy ổng lại đi vô khu cư xá mình ở. Cư xá mình dưới chân núi mà. Ba kêu nhân viên rải sỏi khắp khu để tối mấy ổng đi mình biết, mình nghe được tiếng chân lạo xạo, mình lo mình nín khe trong nhà, để họ có gõ cửa mình cũng giả bộ ngủ hết hông mở.

- Cư xá có lính bảo vệ hông Má ? Lại hỏi câu hỏi ngàn năm.

- Có chớ, nhưng mà lính nó cũng để yên cho qua à, lính quốc gia, lính Mỹ gì cũng để yên à, tụi nó cũng sợ, hay ngại gì đó. Ban ngày mà dám đi như dzậy là tụi nó bắn liền. Nhưng ban đêm tụi nó hông có làm gì đâu, cũng biết là mấy ổng xuống mua gạo, xin gạo, nhưng mà lấy xong rồi cũng đi lên núi lại chớ hông có bắn giết gì ai nên tụi nó cũng để yên. Chu cha, ngta sợ mấy ổng lắm, mà cũng thấy tội nghiệp. Mỗi lần nghe tiếng chân lạo xạo ngang nhà, Má hay bắc ghế lén nhìn qua mấy cái bông gió đó, ốm nhách hà.

- Má gan quá ha Má !

- Hông, tao sợ lắm, nhưng mà tò mò, muốn nhìn coi ra sao... Hồi đó, mỗi lần đi xe đò xuống thăm Ba, hay gặp cái thằng nhỏ kia, nhìn hiền lành thư sinh lắm, mặc áo học sinh, nó lên xe từ khu Hòa Bình, thấy mỗi lần tới đèo nó lại nhảy xuống, rồi nghe nó kêu 'đổi gác' là thấy có thằng khác trong bụi chạy ra leo lên xe. Chu cha, nhìn tụi nó hiền khô à, mà làm Ziệt Cộng. Mà lúc đó dân người ta nổi dậy cũng nhiều tham gia cũng nhiều, cứ thỉnh thoảng đi ngang 1 khu là lại có đổi gác như dzậy.

- Là sao Má ?

- Là cái đèo ở giữa, quốc gia mình đóng 1 bên, bên kia là mấy ổng, ghê lắm. Toàn ở mấy khúc cua.

- Sao đổi gác gì mà công khai vậy Má ? Lỡ mấy người trên xe họ méc với chính quyền, họ chỉ điểm cho bắt sao Má, cái người ở khu Hòa Bình đó, sao gan vậy ?

- Hông, hông có ai dám đâu, ngta biết với nhau vậy thôi, để trong bụng vậy thôi.

- Lỡ đâu có ai bên lính quốc gia nghỉ phép đi xe đò, thấy vậy về báo cáo cấp trên sao Má ?

- Ờ, Má hông biết, nhưng thấy dzậy hoài, đi quài là biết mặt cái thằng nhỏ đó luôn, biết nó gác ở cái trạm đó luôn.

Ngó ngó TV:

- Mà cái năm đó, như có điềm, nghe ngta nói ong bay về SG nhiều lắm, làm tổ cái nào cái nấy to như cái nia, ở bưu điện thành phố đó, cũng mấy cái nia, đen kịt. Ngta nói đen đen là tượng trưng cho quần áo đen của mấy ổng trên rừng trên núi về chiếm đóng đó. Trên Bảo Lộc cũng có nhà ông kia, có con mèo cho con chuột con bị lạc mẹ bú. Ngta nói là mèo cho chuột bú là ý nghĩa hòa bình tới đó, chớ đó giờ mèo nó rượt chuột chớ ở đó mà cho bú, chu chaaa...

Rồi mắt rơm rớm, tuy miệng vẫn cười:

- Mà năm đó nói thiệt chớ muốn đi mà Ba mày có chịu chắc cũng hông có dám đi, tụi bây 7 đứa lít nhít như chó con, trong bụng còn bầu 3 tháng con Y nữa (****), loạn lạc mà chạy xa dzậy sợ lắm, từ Cam Ranh tàu vô SG đã mửa lên mửa xuống rồi, ng này ói lên đầu người kia, dễ sợ lắm.

Năm đó mình 3 tuổi. 3 tuổi nhưng vẫn nhớ, mãi tới sau này vẫn nhớ lờ mờ duy nhất cái cảnh lúc tàu cập đất liền, chung quanh mênh mông bóng tối, ngửa đầu lên thì bầu trời lồng lộng đầy sao. Với 1 đứa trẻ 3 tuổi, bầu trời lúc đó rộng lớn biết chừng nào, như bi giờ mình tưởng tượng về vũ trụ vậy ! Sau này lớn hơn, hỏi lại Ba Má thì biết mình nhớ đúng chớ ko phải tưởng tượng. Năm đó, đêm đó tàu cập cảng Vũng Tàu, cả nhà đi chân không lếch thếch vô đất liền, dắt theo con Lucky nữa, có chú đồng nghiệp Ba làm ở VT ra đón cả nhà về khách sạn.

- Hồi đó mình về ở nhà bà cô nữa tháng, sau đó mới mua nhà bên TQD của ông trung tá, ổng bỏ đi nước ngoài.  Chu cha, hồi đó nhà mình đẹp nhất xóm. Lúc dọn về cả xóm chạy ra coi.

- Đẹp cái gì Má ?

- Thì đẹp đó, Ba Má đẹp, tụi bây con nít đứa nào cũng đẹp, mà nhà cũng đẹp, của ông trung tá mà. Nên hồi đó có ai vô xóm kiếm mình, đầu xóm ngta hay chỉ, tới cái nhà đẹp đẹp, có mấy đứa nhỏ đẹp đẹp, 2 vợ chồng cũng đẹp đó, là đúng nhà.

Hai Má con mắt rưng rưng ngồi cười mơ màng...

- Nhờ mình đẹp nên nhà chú M cô N cũng thương (^^), nhờ chú M nói vô mà mình mới làm giấy tờ được đó chớ. Chớ cái thằng K nó ghê lắm, lúc Ba bị kiu đi học tập, có mình Má ở nhà với tụi bây, nó cứ suốt ngày kiu Má lên phường hoạnh họe, nó hỏi Má có biết ông trung tá đó có nợ máu với dân hông, sao mua nhà ổng. Má nói chời ơi tui ở chổ khác tới, tui mua nhà ổng thôi, chớ ổng nợ máu gì đó tui đâu có biết, mà giờ ổng đi rồi, tui có biết gì đâu, có liên quan máu mủ gì tới ổng đâu. Mấy cái thằng Ziệt Cộng 30/4 đó, tụi nó thúi lắm, toàn lũ thời cơ, ăn không ngồi rồi giờ có chính quyền mới vô thì tâng công. Thời gian đó sợ ghê lắm, tối hông có dám lên lầu ngủ, mấy mẹ con mình nằm xếp lớp như cá ngoài phòng khách để canh cửa, đêm nào cũng nghe tiếng chân mấy ổng chạy rầm rập rượt bắt mấy người trốn cải tạo. Đến nổi cái đêm Ba được cho về, Ba xách cái túi đứng trước cổng, Má còn tưởng ai hông dám ra mở cổng nữa. Chời ơi, thời gian đó sợ lắm, kinh khủng lắm. Mà ghét cái tụi Ziệt Cộng 30/4 kìa, chớ mấy ông trong rừng thì cũng tội, vô đó toàn lúc còn trẻ trẻ, sống bao nhiêu năm trong rừng xanh méc xanh me, có sướng như mấy thằng 30/4 đâu, tội nghiệp, kệ, ai có chánh nghĩa của người đó, bên nào thua thì chịu chớ sao giờ, cũng hông thể nói ai ác hơn ai. Hồi đó Ba có chức nên nhà mình sướng lắm, tụi bây đứa nào Ba Má cũng mở cho sổ tiết kiệm ở ngân hàng, đủ tuổi là sẽ cho đi Mỹ học, giải phóng dzô là mấy cái đó mất hết, nhưng cũng có cái may, nhờ ăn ở hiền lành hông gian tham nên cái cô ngân hàng kia cổ mới xin sếp cho rút được 1 mớ đó, chớ lúc đó ngta biết sắp thua, ngta ai cũng tới rút tiền để bỏ chạy, ngân hàng phải đóng cửa ko thôi sụp. Nhờ tiền đó mà về SG mới mua được nhà ông trung tá đó chớ... Chớ hông thôi lúc Ba mày đi cải tạo tụi bây với Má chắc cũng đi kinh tế mới còn đâu... Giờ đất nước còn khổ là cũng tại tụi Ziệt Cộng 30/4 hết. Ở trên từ rừng ra từ Bắc vô, ko rành nên bày sai đã đành, ở dưới tụi nó làm khác, mà làm còn bậy hơn, còn sai hơn. Mà thôi, chuyện chính trị mình cũng hông biết đâu mà lần. Được cái từ ngày giải phóng khổ thì cũng nhiều nhưng cũng được cái yên tiếng súng, hông có nghe tiếng đại bác tiếng hỏa châu bắn đêm đêm nữa... Chu cha...

- Mà mấy cái chuyện nãy giờ, Má kể nghe cho biết dzậy thôi, ra đường chơi đừng có kể tùm lum đó !!!

- .....

Tối 30 tháng Tư năm thứ 38 sau ngày vui đại thắng

Người xe nườm nượp khu nhà thờ Đức Bà, Lê Duẫn, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi. Bao nhiêu năm, cũng bao nhiêu con đường đó... Dù thành phố có to hơn, cao hơn, lớn hơn, hiện đại hơn mỗi ngày, không khí đó, ko thể nào chuyển sang đường Nguyễn Đức Cảnh hay Nguyễn Lương Bằng, ko thể là hồ Bán Nguyệt hay Cresent mall…

21g6', 2 đứa vừa từ Phạm Hồng Thái băng qua bùng binh Quách thị Trang thì Tục Tưng hớn hở nhảy nhổm lên, pháo bôngggggg kìaaaa ! Phía xa, hướng bến Nhà Rồng, pháo hoa từng đợt bừng lên rạng rỡ. Pháo hoa tầm thấp, nên hai đứa phải chạy lại gần hơn, rồi dừng xe ở khu Hàm Nghi.

Mình đã từng ngẩn người ko biết bao nhiêu lần ngắm pháo bông bắn lên trời mỗi đêm từ khu Disney Land ở Anaheim, California. Cảm giác những lúc đó rất xúc động, ánh sáng pháo bông rực rỡ lung linh hoang đường, như thấy lại những ngày thơ mơ mộng chuyện thần tiên, như những giấc mơ về lâu đài công chúa hoàng tử (với phù thỉ) ngày xưa quả là có thật. Những lúc xem pháo bông ở đó, điều duy nhất nhớ chỉ là tuổi thơ.

Những lần xem pháo bông ở Việt Nam thì chỉ đếm vừa đúng 1 bàn tay. Nhưng cảm xúc thì rất khác. Đó là cảm giác của người đứng trên quê hương mình, chung quanh là người dân mình, tiếng nói mình. Nó mang lại cái cảm giác rưng rưng, xốn xang, nức lòng, hân hoan, yêu hòa bình, thương đất nước. Pháo bông ngày Độc Lập, ngày Thống Nhất, thì hẳn, phải khác với pháo bông Disney Land. Hai đứa mình vốn dĩ sinh ra đời đã đa đoan đa mang đa cảm dễ xúc động, nên đứa nào đứa nấy lệ cũng sắp tràn mi. Tục Tưng ko lần nào nhìn thấy pháo bông mà giấu nổi cảm xúc, cứ rối rít, cuống quít sợ qua đi những khoảnh khắc đó. Mình thì thào với Tục Tưng, rằng ko biết còn được bao nhiêu cái 30/4 bình yên như vầy nữa, mình nói xong 2 đứa cùng thở dài...

Tục Tưng sau khi thở dài thì quay qua thì thào, giọng có chút nghẹn ngào 'bởi vậy, người ta hát đúng quá,.. vui sao nước mắt lại trào...'

Ờ, phải, vui sao nước mắt lại trào ?


Mừng ngày Quốc Tế Lao Động. Tháng Năm rồi, rợp trời hoa phượng đỏ !

---------------
(*) chú Năm là trung úy Hải quân. Ngày 28/4 chú Năm lái tàu tuần duyên từ Cát Lái cập bến Bạch Đằng, lên bờ thuyết phục Ba xuống tàu một lần nữa nhưng ko thành. Ngày 29/4 chú trở lại tàu thì tàu đã ko còn nữa, đã mất vào tay những ng di tản khác. Vài ngày sau ngày giải phóng, chú Năm quay về Nha Trang trình diện, đi học tập 2 năm. Năm 1979, chú & gia đình & 1 số ít ng quen khác lên tàu vượt biên. Chú là người VN đầu tiên vượt đại dương thành công bằng 1 chiếc tàu nhỏ, lái thẳng tàu từ bờ biển Nha Trang qua Canada. Chú Năm là dân hải quân, lại là chỉ huy nên biết cách. Phần lớn những con tàu khác là chạy gần bờ, rồi chờ tàu lớn vớt, các trại tị nạn trên các đảo đc thành lập là cho những thuyền nhân đi dạng này.
(**) ông S hơn Ba khoảng 10 tuổi, nhưng vai vế là bác của Ba.
(***) theo mình hiểu, thì cái đèo Madagui mà Má nói, chính là cái đèo Chuối, nằm giữa huyện Madagui và thị xã Bảo Lộc.
(****) năm 1975, Ba 33 tuổi, Má 32 tuổi, có 7 đứa con, 1 cái bầu. Sau năm 1975, BM có thêm 2 đứa con nữa, nâng tổng số con lên 9.


No comments:

Post a Comment